Phạm Công Trí

Home

1 - Lời nói thay đổi cuộc đời :

(Trích trong Hồi Ký của Phạm công Trí – du học Nhật Bản)


Năm đó là năm 1971 – Tôi là một du học sinh Việt Nam cư ngụ tại khu Okubo-Shinjuku-Tokyọ Tôi đã hoàn tất chương trình Nhật Ngữ vào cuối năm 1970 và đậu kỳ thi vào trường Đại Học NiHon theo ngành Thuỷ Sản. Và cuộc sống sinh viên đại học của tôi bắt đầu không dễ dàng như tôi vẫn mộng mơ.

Với tất cả cố gắng trong năm 1970, tôi đã thành công trong việc thi đậu các môn học tiếng Nhật như Toán, Lý, Hoá, Sinh Vật, Khi hoàn tất năm Nhật Ngữ này, tôi cứ nghĩ là sau 4 năm học Đại học mình sẽ thong dong ra về giúp nước với mảnh bằng Đại Học mà không gặp một trở ngại nào.


Nhưng ngay từ ngày đầu tiên vào lớp học tại Đại Học, tôi mới biết là mình ôm mộng quá to, không biết có qua khỏi con trăng này không (con trăng tới 4 năm)? Trong tuần lễ đầu tiên, tôi như một con vịt nghe sấm trong lớp học. Thầy nói thầy hiểu, tôi cứ ngồi đó mà chẳng hiểu mô tê gì ráo. Thôi thì chờ thầy viết lên bảng, mình chép lại rồi về nhà thong thả đọc lại. Lại một cơn ác mộng nữa. Thày giáo viết bằng Kanji (Hán Tự) nên thày xâu cho một lòi tói từ đầu đến cuối bảng. Đọc chẳng được mà đoán cũng chẳng ra. Đến đây, tôi mới chợt nhớ ra là trước khi rời Sài Gòn, có người răn tôi là người Nhật họ dấu nghề không dạy hết cho mình nên phải cố mà tìm tòi. Nếu người đó ở đó lúc ấy, tôi sẽ bảo ông cố mà nghe cái dấu nghề của họ đi. Họ không dấu nghề mà mình còn chưa hiểu mô tê gì thì họ đâu cần phải dấu con mẹ gì. Khác hẳn với trường Nhật Ngữ, các giáo sư nói năng thật chậm để học trò có thể hiểu được các từ khoa học chuyên môn để có thể theo học lớp cao hơn vì học trò là người ngoại quốc. Trong trường Đại Học, đa số là sinh viên Nhật, chỉ có khoảng 50 người là sinh viên ngoại quốc (trường tôi là một trong 6 trường lớn và nổi tiếng có khoảng 500 000 (nửa triệu sinh viên mỗi năm). Chung quanh tôi là người Nhật, họ xem tôi cũng như người Nhật vì tôi mắt hí, mũi to giống như họ. Họ nói chuyện với tôi rất nhanh, nhiều khi không hiểu tôi phải hỏi lại và những lúc đó họ mới nhớ ra tôi không phải là người Nhật như họ. Khi vào lớp, thày giáo dạy họ học chứ không phải dạy tôi học nên tôi vẫn như vịt nghe sấm. Sau một tuần lễ làm vịt, sau khi lớp tan, tôi bèn hỏi thày giáo có cách nào cho tôi hiểu bài không chứ cứ thế này thì không cần họ dấu nghề, tôi chả học được gì cả. Thày giáo bèn phang ngay cho một câu ; về mà đọc thêm sách giáo khoa. Sau khi được chỉ, ngày hôm đó sách giáo khoa từ trang này đến trang này, hí hửng về nhà tôi lôi sách ra học. Trời đất quỷ thần ơi. Sao mà nó dài lê thê, chỉ một trang sách thôi, tôi đã tốn hết gần 6 tiếng đồng hồ. Tôi phải dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh rồi từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Cứ cái điệu này có lẽ tôi phải tốn 20 năm mới học xong cái bằng Đại Học. Tôi đâu chịu thua, ngày hôm sau, đến trường, tôi phải đi theo năn nỉ hết đứa này đến đứa khác , làm ơn giúp cho tôi qua cơn hoạn nạn. Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được một thằng Nhật để nó sau lớp học đến nhà giúp tôi học với một điều kiện phải cho nó ăn tối. Nó xuất thân từ một gia đình không khá giả làm nghề đánh cá thuê cho người khác và lên Tokyo học với hy vọng về làm cho riêng gia đình mình. Cũng nên nhắc là ngôn ngữ Nhật phân ra ngôn ngữ nam và ngôn ngữ nữ. Nhờ thằng bạn này trong 2 năm đầu nên tôi có được ngôn ngữ nam va được dân Nhật quý trọng hơn những người ngọai quốc dùng ngôn ngữ nữ.

Trong số hơn 300 sinh viên cùng năm học Thuỷ Sản trong trường NiHon, chỉ có 2 cô gái, còn lại là toàn đực rựa. do đó cho ta có một khái niệm về ngôn ngữ, cách học và cách sống ở Nhật trong thập niên 70. Không khó nhưng chả dễ. Và đây là câu chuyện đưa đến sự thay đổi trong lối suy nghĩ và làm việc trong đời tôi.

Vào muà hè năm 1971, tôi gặp một người Nhật tại ga Okubo (nơi tôi cư ngụ). Khi nói chuyện, tôi được biết trước kia, ông là một quân nhân tham chiến ở Việt Nam trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc đó, ông ta đang làm việc tại một chợ rau gần nhà tôi. Nói là chợ rau chứ thực ra đó là nơi cung cấp rau và trái cây cho những cửa hàng chung quanh vùng. Bản tính của tôi là muốn sinh sống hòa mình với dân địa phương và học cách sinh sống của họ với hy vọng đem được những điều hay về giúp cho dân mình. Tôi hỏi ông có việc cho tôi làm không thì được trả lời là hãy đến hãng sẽ có việc. Khi tôi đến, ông giới thiệu tôi với các nhân viên trong văn phòng, họ có vẻ nể trọng một sinh viên ngoại quốc đi làm (xin nhắc đó là năm 1971 khi những người ngoại quốc đi làm ở toàn nước Nhật còn rất hiếm). Ông hỏi tôi muốn làm bao lâu, tôi trả lời không do dự là tôi sẽ làm cho hết kỳ nghỉ hè (2 tháng). Đúng là nghé mới ra chuồng chưa biết sợ là gì. Công việc của tôi mlà mỗi sang tôi bắt đầu từ 3 giờ sang và làm cho đến 3 giờ chiều, khuân vác các thùng rau và trái cây xếp lên xe vận tải để họ phân phối cho các cửa hàng quanh vùng.

Trong vòng một tháng đó, tôi phải dậy sớm để cho kịp bắt đầu lúc 3 giờ sang làm việc như một công dân lao động Nhật chính cống cho đến 3 giờ chiều. Nhiều bữa, trong thùng rau có rau thối, nước rau thối đổ ra trên người của tộị Phải ráng chịu cho đến khi tan việc buổi chiều để có thể về nhà tắm rửa. Tôi là con người ưa thích sạch sẽ mà phải chịu hôi thối cả ngày như vậy là cả một cực hình. Nhưng tôi đã học được cái tình nhẫn nại từ lúc đó.

Sau một tháng rưỡi, tôi cảm thấy mình đã học hỏi đủ rồi, tôi muốn nghỉ để đi chơi với bạn. Tôi gặp ông Nhật, lúc đó là quản đốc (manager) và trình bày là tôi muốn nghỉ để đi chơi. Ông bảo tôi là muốn nghỉ thì được nhưng tôi đã cho họ biết là tôi sẽ làm hai tháng và họ đã sắp xếp công việc cho tôi làm hai tháng. Ông nói là đối với người Nhật khi đã nóí hai tháng là hai tháng, không ai xin nghỉ trước ngọai trừ bị bệnh. Một lời nói ra là phải giữ. Nước Nhật là một quốc gia tự do, không có luật nào bắt buộc và cũng không ai có quyền bắt mình làm trái ý của mình. Chỉ có mình phải giữ lời mình đã nói. Một lời đã nói là phải giữ.

Nghe nói vậy, tôi bị chạm tự ái, tôi không nghỉ mà tiếp tục làm cho đến hết thời hạn hai tháng. Tôi không phải đến Nhật để làm cu li nhưng sau đó suy nghĩ kỹ tôi nhận thấy nước Nhật tiến bộ và được cả thế giới khâm phục cũng chỉ vì nói ra thì giữ lời. Kỷ luật đến như Cộng Sản cũng chưa thể so sánh được. Họ còn thêm một tính nữa là rất đúng giờ hẹn. Tôi cảm thấy hãnh diện là đã học được đức tình tốt đó và hy vọngdân ta cũng cùng học được. Tôi luôn luôn giữ lời tôi đã nói và giữ được đúng giờ hẹn. Đã nói là phải làm. Không làm được thì đừng nói.

Tất cả cuộc đời và lối suy nghĩ của tôi thay đổi sau đó. Tôi hy vọng mọi người cùng thấy những điều tôi thấy và trải qua và cùng nhau kiến tạo một nước Việt Nam tiến bộ để chúng ta có thể ưỡn ngực góp mặt với đời.

Tôi hy vọng là với kinh nghiệm và cuộc sống thực của tôi sẽ góp ý cho những người Việt trẻ hôm nay.

Phạm công Trí

2 - Tính tự trọng của dân Nhật :

(Trich trong Hồi Ký Du Học Nhật Bản 1970)


Đầu năm 1970, bố mẹ tôi tống cổ tôi ra khỏi nhà một phát sang ở với con cháu Thái Dương Thần Nữ xứ Phù Tang. Năm ấy tôi vừa 18 tuổi, ở cái tuổi bạn bè trung học đã có đứa đi lính, có đứa bồ bịch tùm lum. Còn tôi thì vẫn còn trong trắng như một con nai tơ. Chân ướt chân ráo đến phi trường Tokyo lúc 12 giờ đêm. Những người đi đón thì nghĩ là tôi không đến nên đã về hết. Một thân một mình ở xứ lạ, tiếng Nhật thì một chữ bẻ đôi cũng không biết, ngớ ngẩn không biết phải làm sao. May qúa, một ông cảnh binh Nhật thấy lớ ngớ đến hỏi thăm. Ông này không nói được ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Nhật nên cả hai nói chuyện với nhau mỏi cả tay thì ông cảnh binh mới hiểu và gọi hộ cho một cái taxi. Lúc đó, tôi có mang theo hai cái va li, một cái đựng quần áo thì to, còn cái kia thì bé hơn, trong đựng sách nên nặng hơn cái to. Ông cảnh binh giúp hộ một tay xách dùm cái bé, cám ơn ông quá mà không biết nói sao. Về đến nơi, mọi người mừng rỡ, quên cả lúc đó là gần 3 giờ sang, một chầu mì gói mở ra, hàn huyên câu chuyện.



Trong tuần lễ đầu ở Tokyo, tôi thấy cái gì cũng lạ cũng hay. Nhất là lúc đó là mùa hoa anh đào đang nở (31/3/1970) nên cuộc đời tôi hình như gắn liền với các đóa hoa tươi đẹp địa phưong kể cả hoa biết nói. Như chương trình, tôi cũng như mọi sinh viên du học, đều phải trải qua học một năm Nhật Ngữ rồi trải qua kỳ thi vào Đại Học. Trường Nhật Ngữ tôi theo học, may qúa, ở gần nhà nên chỉ phải đi bộ khoảng 5 phút là đến trường. Trên con đường đến trường, tôi phải đi qua một trường tiểu học nên cũng vui khi nhìn thấy các em nhỏ tung tăng nhảy chân sáo đi học. Nhớ đến thuở còn thơ ngây mình có lẽ cũng như thế.

Một hôm, trên đường từ trường về nhà, tôi thấy một đám hoc trò tiểu học ở trường này đang đánh tù tì. Tò mò, đứng lại xem thì ra chúng nó đánh tù tì xem đứa nào thua phải sách hết 5 cái cặp khác của bọn đi ra ga xe điện về nhà, khoảng cách độ 2 cây số từ trường ra ga. Cứ khoảng 200 thước thì chúng nó đánh tù tì lại một lần. Coi vui đáo để. Có một hôm, một thằng bé thua từ đầu đến khi ra đến nhà ga, nó è ạch khiêng tất cả cặp của bạn ra đến sân ga mà vẫn vui vẻ cười nói đùa với các bạn. Hôm sau vì bản tính tò mò, tôi vào trường xin phép hiệu trưởng cho tôi được quan sát đời sống học đường của trẻ em Nhật. Sau khi nghe tôi là một sinh viên ngoại quốc đang theo học Nhật Ngữ, ông hiệu trưởng đã cho phép tôi được chung sống với các em một ngày.

Trường ở Nhật, cũng giống như nhà của họ, buổi sáng sớm, khi vào trường, các em không được phép mang giầy vào lớp. Tất cả đều phải đổi dép để đi trong lớp học vì sàn nhà bằng gỗ cũng như ở nhà các em vậy. Giày bỏ ra ở cửa lớp được xếp vào các ngăn ở hành lang. Không ai lấy của ai. Giày chỉ được xỏ vào trong giờ nghỉ để đi ra sân. Đến buổi chiều , khi lớp học tan, các em phải dọn dẹp lớp học, nhặt rác trong lớp, lau bảng đen cho sạch, xếp ghế lên mặt bàn, lau sàn lớp cho sạch trước khi ra về. Tất cả đều chia ra cho cả lớp trong tuần, không ngoại lệ. Về sau tôi mới hiểu tại sao trong ngôn ngữ Nhật không có chữ “school cleaner” mà chỉ có “school janitor”.

Sau năm Nhật Ngữ, tôi đã được nhận vào trường Ni Hon University ở Shibuya môn Thủy Sản (Đánh cá). Nhưng đại học năm thứ nhất tôi phải di chuyển khoảng 150 cây số đến học xá. Mỗi ngày phải tốn khoảng 3 giờ đồng hồ trên xe điện tốc hành đi và về (1.5 giờ đi và 1.5 giờ về). Đa số các bài học của tôi được làm trên xe điện cho đỡ tốn thì giờ. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, thì giờ trên xe điện lúc tan trường để ngủ vì quá mệt mỏi và để giữ sức cho việc làm buổi tối lấy tiền đi học. Điều tôi để ý là trên xe điện, dù rằng phải di chuyển một khoảng khá xa mà trên xe vẫn yên lặng, không bao giờ ồn ào dù rằng trên xe chật cứng người. Tôi cũng không thấy một cọng rác nào xả ra trên xe. Không một ai ăn hay uống, ngoại trừ uống nước lã, Trên bất cứ một xe điện nào, đa số là những người đi làm xa, mua báo để đọc. Khi đọc xong, họ xếp lại gọn ghẽ để lên trên đầu, nơi có chỗ để hành lý nhỏ hoặc báo (như ta thấy trên phi cơ, nhưng không có nắp đậy). Người khác có thể lấy đọc xong để lại chỗ cũ cho người sau. Không một ai vứt bừa bãi sau khi đọc xong.

Khi nghĩ lại thời gian ở Nhật trong lúc đó, tôi mới cảm thấy mình đã học hỏi rất nhiều từ dân Nhật chứ không phải chỉ riêng từ thày Nhật. Thày Nhật thì dạy cho tôi vấn đề kỹ thuật nhưng dân Nhật đã dạy tôi sống một cuộc đời kỷ luật nhưng thoải mái. Cũng như xe điện của họ, chính từ những năm tôi mới đến Tokyo (1970), đã rất đúng giờ và liên tục. Không bao giờ tôi phải xem giờ chạy mà đi học và đi làm không bao giờ trễ.

Trong thời gian ở Tokyo, tôi để ý thấy cảnh binh Nhật có rất nhiều trạm cảnh sát nhỏ ở các góc phố. Họ có vài chiếc xe đạp ở trước cửa, tối tối họ dùng xe đạp để đi tuần trong các hẻm nhỏ vì có nhiều chỗ xe hơi không vào được và thường thì họ đi một mình. Đặc biệt là khi thắng xe, thường có tiếng rít như hai miếng sắt cọ vào nhau nên dân chúng ai cũng biết là cảnh binh đang ở gần. Tuy nhiên họ không bao giờ thắng gấp để khỏi làm phiền dân chúng. Có một lần, một cô Nhật ở cùng cư xá bị một thằng phải gió làm bậy. Nó chưa kịp làm gì thì bị cô này la làng phải bỏ chạy. Trong khi một vài người bạn chạy đến hỏi thăm, tôi gọi điện thoại cho cảnh binh. Tôi chưa kịp cúp máy thì đã nghe tiếng thắng xe đạp ở trước cửa nhà. Vài phut sau thì có hai xe cảnh sát đậu trước cửa nhà và phỏng vấn cô gái.

Tôi vẫn thường đeo bị trên lưng đi vòng quanh nước Nhật (có lẽ tôi là một trong những người đầu tiên trên thế giới đi chơi kiểu Tây Ba Lô (Back packer) hơn 40 năm về trước. Một hôm, đến nhà ga Kyoto vào buổi tối thì biết là mình trễ tàu về Tokyo. Tiền thuê chỗ ngủ không đủ mà trên người còn lỉnh kỉnh mấy cái máy chụp hình, máy quay phim. Ngủ ở sân ga thì thế nào cảnh binh cũng đến hỏi thăm, tôi thấy trước ga có một trạm cảnh sát, tôi bèn đánh bạo vào xin ngủ nhờ. Sau khi xem xét giấy tờ và biết tôi là du học sinh ngoại quốc, họ dẫn vào phía trong, nơi có một cái giường hai tầng để cảnh binh thay phiên nhau ngả lưng trong những ngày có ca dài.Thật là an toàn, bố bảo kẻ trộm cũng không dám rờ tới đám máy hình của tôi. Trong thời gian đó, tôi nói chuyện với họ thì được biết là luật cảnh sát của Nhật rất khắt khe, không người nào được hút thuốc, ăn uống trước công chúng. Tất cả những chuyện này phải xảy ra trong trạm canh. Quần áo phải tươm tất, ủi phẳng phiu. Họ cũng không được phép cười đùa với công chúng. Trong số các bạn Nhật cùng Đại Học với tôi, có một số gia nhập cảnh sát sau khi tốt nghiệp Đại Học. Tôi thắc mắc hỏi họ tại sao không gia nhập cảnh sát trước khi học Đại Học thì được giải thích là nếu không tốt nghiệp Đại Học thì không được nhận vào cảnh sát. Khác với các quốc gia khác, cảnh sát ăn uống, hút thuốc lá ngoài đường, nói cười ầm ĩ, không coi dân ra gì.

Ngoài ra tôi còn được chứng kiến một trường hợp cảnh binh Nhật đối xử với người phạm tội đã làm cho tôi khâm phục hành vi tôn trọng con người của họ. Một hôm, cách cư xá tôi ở không xa có một đám cháy nhà, tụi tôi đang ngồi chơi ùa ra xem. Trong số người xem có một thanh niên người Nhật ở cùng cư xá, cầm vòi nước tưới cây của nhà bị cháy giúp tắt ngọn lửa. Theo thường lệ, cảnh binh làm biên bản và điều tra thủ phạm. Chúng tôi cũng bị hỏi như tất cả những người khác hiện diện hôm đó. Một tuần lễ sau, trong khi ở nhà tôi thấy cảnh binh vào cư xá và dẫn anh chàng giúp chữa cháy hôm nọ ra đi. Khi đi ra, tôi để ý thì thấy anh chàng nọ trong lúc đi với cảnh binh thì hai tay cho vào trong túi quần, cảnh binh dẫn ra như người đi bộ. Tôi lấy làm lạ, hỏi người bạn làm cảnh binh thì được giải thích là anh chàng đó dù bị bắt với đầy đủ tang chứng cũng chưa chắc là thủ phạm nên cảnh binh phải tôn trọng họ. Hai túi quần anh ta bị cắt thủng hai cái còng to được còng vào hai bắp đùi và còng hai tay trong túi quần. Người ngoài nhìn vào thì chỉ thấy anh ta đi dạo với cảnh binh chứ không có dấu hiệu gì là bị bắt cả. Thật là hay vì hai tay bị còng trong túi quần như vậy không thể chạy nhanh được. Muốn chạy nhanh thì hai tay phải vung lên lấy trớn nhưng đằng này hai tay bị bó lại thì sao mà chạy cho thoát. Dù kỷ luật, cảnh binh Nhật vẫn tôn trọng người phạm tội và không làm cho họ phải xấu hổ với hàng xóm. Biết đến bao giờ cảnh sát Việt Nam và các quốc gia khác mới học được kỷ luật và sự tôn trọng người khác như cảnh binh Nhật trong trường hợp này.

Năm 2014, sau hơn 40 năm xa rời con cháu Thái Dương Thần Nữ, tôi dẫn vợ tôi về chơi. Đi đâu vợ tôi cũng thích sự an toàn, sạch sẽ, đúng giờ của dân Nhật . Tuy nhiên bà vợ chỉ có một điều phàn nàn là tìm mãi không có thùng rác để vứt rác đang cầm trên tay. Chả bù với đất Úc, chỗ nào cũng có thùng rác mà chỗ nào cũng có rác dưới đường. Lại còn hẹn sang năm về chơi nữa. Phạm công Trí

3 - TẮM CÔNG CỘNG Ở NHẬT :

Trích trong “Hồi ký Nhật Bản”


Đối với một đứa trẻ chỉ sống trong sự chăm nom đùm bọc của gia đình, chưa bao giờ sống riêng một mình như tôi thì cuộc đời mới bắt đầu ở Tokyo đầy sự lạ chưa từng thấy. Lúc tôi đến Tokyo là cuối tháng Ba nên vẫn còn lạnh và tuyết vẫn còn rơi lác đác. Ngồi trên lầu, nhìn tuyết rơi qua khung cửa sổ, sao mà đẹp thế. Tuyết nhẹ nhàng rơi từ trên trời cao xuống đọng lại thành từng đám dưới đường. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được là khi tuyết tan thì con đường trở nên sinh lầy, ướt át và trơn trượt.

Trong tuần lễ đầu ở Tokyo năm 1970, tôi khám phá ra là chỗ tôi ở không có phòng tắm. Tôi hỏi mấy anh lớn thì họ phá ra cười, bảo tôi rằng muốn thuê nhà có phòng tắm riêng cũng có nhưng đắt gấp ba, bốn lần tiền thuê nhà đang ở. Thế thì phải chịu ở bẩn sao? Không đâu, gần đó có những nhà tắm công cộng. Thật là một sự lạ nữa với tôi. Việc đi tắm công cộng, tôi có xem thấy trong các phim xã hội của Nhật hoặc phim Hiệp Sĩ Mù trong những thập niên 1960, 1970. Một hôm, anh lớn bảo: “Trí ơi, đi tắm”. Anh Đào, anh lớn cùng nhà, chỉ cho tôi những dụng cụ cần thiết phải đem theo: một cái chậu nhỏ, trong đựng khăn lau mặt, một cục xà phòng và một chai shampoo để gội đầu, và một cái khăn tắm lớn để lau người khi tắm xong. Và anh cầm theo một nắm tiền lẻ để trả tiền vào cửa.

Nhà tắm công cộng gần nhà trông bề ngoài cũng như những nhà bình thường, có hai lối ra vào, một cho nữ giới, một cho nam giới, không được vào chung. Vào bên trong, tôi thấy một người đàn ông ngồi trên một cái quầy cao ngang cổ, thu tiền vào cửa. Không ai nhìn sang phía bên kia được. Trước mặt ông ta là một bức tường bằng gỗ ngăn hai bên nam nữ, có một cửa để ban ngày dọn dẹp lau chùi hai bên. Vào trong một tí nữa là những ô ngăn để mọi người đựng quần áo bỏ ra. Tất cả đều trần như nhộng, ai cũng mang theo xà phòng, khăn lau mặt và shampooọ Thực ra, không cần mang theo chậu nhỏ vì ở đây đã có nhiều chậu nhỏ bằng gỗ để mọi người dùng. Bước qua một cửa kính là nơi mọi người tắm, hơi nước nóng bốc ra từ một cái hồ nhỏ, hồ này chứa nước rất nóng để ngâm cho nóng người sau khi tắm rửa kỹ lưỡng ở bên ngoài. Ai cũng phải tắm thật sạch trước khi bước vào hồ ngâm. Vì nước rất nóng nên phải vào từ từ. Cho hai chân vào trước, từ từ cho nửa người vào, sau cùng mới xuống ngâm cả hai vai. Như đã trình bày, hồ nước rất nóng nên không nên ngồi quá lâu, máu sẽ dồn lên đầu không tốt. Một anh bạn lần đầu đi tắm ngâm nước nóng thích quá nên ngâm hơi lâu, khi bước ra khỏi hồ thì té xỉu vì máu lên đầu, tụi tôi phải khiêng anh ta ra chỗ thay quần áo cho thoáng và độ 15 phút sau thì tỉnh lại, Hú hồn.Sau lần đó, anh ta thề chỉ đi tắm mỗi tháng một lần vào mùa Đông, mùa Hè thì hai lần. Hiện nay, anh này là một học giả đang sinh sống ở Tokyo với gia đình và không muốn ai nhắc lại kinh nghiệm đi tắm công cộng này của anh ta.

Ông anh họ của tôi, một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà, có cơ hội được tu nghiệp ở gần Tokyo, có đến thămvà được tôi dẫn đi tắm công cộng. Thoạt tiên, khi cởi quần áo, anh có vẻ ái ngại nhưng sau khi nhìn chung quanh, anh cũng hiên ngang làm con cháu Adam. Khi vào bên trong, sau khi tắm gội xong, anh hùng dũng bước vào hồ nước nóng ngồi xuống làm tôi không kịp cản. Nhưng ngay lập tức, anh đứng lên bước ra ngoài hồ. Tôi lại phải làm một màn giải thích . Sau đó thì anh thích quá, hỏi tôi có nên cho thằng con lớn sang đây du học không? Sau khi giảng giải về đời sống du học sinh ở Nhật, anh quyết định cho nó du học ở Mỹ. Từ đó về sau, mỗi khi anh em gặp nhau, anh lại nhắc lại kỷ niệm đi tắm nhà tắm công cộng. Chỉ có một điều là bây giờ ở năm 2016, nhiều nhà apartment được xây theo tiêu chuẩn mới, có phòng tắm riêng ở nhà nên những nhà tắm công cộng như thế này đang dần dần biến mất.

Trong thời gian đi học ở Nhật, tôi đã từng thả bước giang hồ chung quanh đất Phù Tang, dạo chơi với con cháu Thái Dương Thần Nữ. Một mùa Hè (tôi chỉ có mùa Hè để thả bước sau khi học và làm kiếm tiền) tôi đến vùng phía Bắc nước Nhật (Hokurikku), đến huyện Kanazawa nơi mà ngày xưa có một Sứ Quân khét tiếng của Nhật và cũng là nơi có nhiều điểm đặc biệt về phòng tắm công cộng cũng như các lữ quán (ryukan) có suối nước nóng (onsen) và gần đó theo truyền thống có một lũ khỉ xuống ngâm người trong suối nước nóng. Khỉ có chỗ của khỉ không bao giờ người và khỉ xâm phạm lãnh thổ của nhau trong bao nhiêu trăm (ngàn) năm. Tôi tạm trú ở một lữ quán, chỗ này theo đúng cổ truyền lữ quán của Nhật, ăn sáng : một bát cơm nóng, đập một quả trứng sống, một lá rong biển khô (yaki nori), vài củ dưa muối và một chén nước súp (miso siru), buổi trưa, một bát cơm nóng, một chén miso siru và một con cá nướng, bữa tối, một bát cơm nóng, một chén miso siru, một vài miếng thịt hoặc đậu hũ, hoặc gà, hay heo. Sau mỗi bữa ăn là một cốc nước trà Nhật xanh (green tea) hoặc trà vối. Buổi tối trước khi ngủ, bà chủ nhà vào lôi trong tủ ra một bộ nệm, trải giường, gối. Ban ngày những thứ này được cất trong tủ vì ở ngoài không có chỗ (Ngay ở trong nhà người Nhật cũng thế. Bên ngoài là chỗ tiếp khách, tối đến biến thành phòng ngủ. Trước khi đi ngủ, bà chủ hỏi tôi có muốn tắm không. Bà gãi đúng chỗ ngứa nên tôi gật đầu mau lẹ. Khi tôi đến chỗ tắm ở ngoài sân, tôi thấy một cái thùng to giống như thùng rượu vang của Âu Châu, trong đựng đầy nước nóng. Cũng như trên đã trình bày, tôi phải tắm thật sạch trước khi bước vào thùng. Không biết bà này ở đâu mà ngay sau khi tôi vào thùng, bà xuất hiện, cho thêm củi vào dưới đáy thùng. Ba giải thích là phải tiếp tục như vậy để giữ nhiệt độ trong thùng cho điều hoà vì còn nhiều người khách khác sẽ dùng. Cứ tưởng là nước trong nồi sẽ sôi và mình sẽ thành con tôm luộc. Nhưng không, đúng như bà chủ nói, nước chỉ đến đúng nhiệt độ rồi ngưng. Ngồi trong thùng ngâm nước nóng, tôi có cảm tưởng như mình là một võ sĩ đạo hay một sứ quân nào đang hưởng thú trong đời. Trời cũng đãi tôi lắm đấy chứ. Một cảm giác thật êm đềm thú vị khó quên chỉ cần bỏ tiền (không cần nhiều) là mua được thôi. Mà không được hưởng thường xuyên. Thỉnh thoảng nghĩ lại cái cảm giác này, tôi tự nghĩ mình có nên trở lại Nhật đến chốn này tìm lại cảm giác này chăng? Có lẽ các bạn đọc sẵn câu trả lời miễn cho tôi phải nói ra đây.

Phạm công Trí

4 - Cô giáo Nhật Ngữ Kokusai

Cô giáo Nhật Ngữ Kokusai (doc)