Ngọc Bảo

Home

1 - GIVERNY MỘT CHUYẾN VIẾNG THĂM :


Paris là thủ đô văn hóa nghệ thuật của thế giới, nơi từng phát xuất những văn sĩ, họa sĩ
lừng danh, những khuynh hướng cải cách có ảnh hưởng lớn trong các ngành nghệ
thuật. Cách Paris khoảng 100 cây số về phía nam có một làng nhỏ tên là Giverny đã trở
thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, vì ở đó có ngôi biệt thự và vườn cảnh đặc sắc của
Claude Monet,một trong những họa sĩ hàng đầu của trường phái hội họa ấn tượng trong
khoảng thế kỷ 19. Lần đầu tiên có dịp đến ngoạn cảnh ở đó vào năm 2005 đã để lại cho
tôi nhiều ấn tượng, nên mùa xuân năm nay, sau 12 năm, tôi quyết định phải đến đó trở lại.

Ngôi biệt thự xinh xắn của Monet nổi tiếng không chỉ vì mang dấu tích của một danh tài
họa sĩ với những bức tranh bất hủ để lại, mà còn vì khu vườn đầy mầu sắc kỳ hoa dị
thảo được chăm sóc cẩn thận, nhất là hồ sen rộng lớn với cây cầu bắc qua đã trở thành
bất tử trong những bức tranh sen nổi tiếng tuyệt tác của ông. Từ cửa sổ những căn
phòng phía trên nhìn ra vườn, ta có thể thấy một phong cảnh tuyệt vời của hoa lá và cây
cảnh, như bức tranh của người họa sĩ.

Cuộc đời họa sĩ trong thời ấy tuy nổi riếng nhưng không khỏi có những lúc chật vật vì
mưu sinh. Monet đã phải thay đổi chỗ ở biết bao nhiêu lần. Cho đến một hôm, trong một
chuyến đi trên xe lửa ông nhìn ra cửa sổ và chợt thấy ngôi làng Giverny hiện ra thật
xinh xắn. Được biết có một trang trại ở đó đang để trống, ông quyết định thuê lại trang
góp sức của gia đình, ông đã tạo dựng và chăm sóc một vườn hoa lý tưởng, với những
luống hoa đủ mầu đủ kiểu nở rộ theo mùa. Vườn hoa này đã cho ông những cảm hứng
nghệ thuật để vẽ nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt vời.

Tháng năm trời vào xuân, trong những đóa hoa tưng bừng khoe sắc, nổi bật nhất là hoa
tulipe rực rỡ đủ mầu vươn cao,với nhiều loại hiếm quý khác nhau.

Con đường quanh co đi về phía hồ sen một bên là đồng cỏ xanh rờn với đàn bò trắng
đang nhởn nhơ ăn cỏ, một bên là rạch nước chẩy quanh những khóm trúc, có những
cây cầu nhỏ bắc ngang đi vào phía trong, nơi có hồ sen nổi tiếng với chiếc cầu xanh, với
hàng liễu rủ như trong bức họa đầm sen của Monet.

Đứng trên cây cầu với giàn hoa tím wisteria rủ phía trên, tưởng như thấy bóng Monet
còn đang trầm tư ở đâu đó bên hồ nước, bên cạnh giá vẽ và cây cọ trong tay.
Khungcảnh nơi hồ sen mang nhiều nét đông phương tĩnh mịch, cho thấy phần nào ảnh
hưởng của nền văn hóa nghệ thuật Nhật Bảnđối với Monet trong đời sống. Những bức
tranh sen trong hồ đã trở thành một biểu tượng của tranh Monet, một nét đặc sắc khác
biệt với những bức tranh của các họa sĩ cùng thời. Phải chăng khi trải lòng vẽ lên giấy
vẻ đẹp thanh cao thuần khiết của những hoa sen trên nước, ông đã tìm thấy sự an bình
qua bao nhiêu năm thăng trầm biến đổi trong cuộc đời.

Trong thời kỳ khởi nghiệp của Monet vào khoảng hậu bán thế kỷ 19, ngành hội họa
đang chịu sự điều khiển của nhóm Le Salon ở Paris với những định kiến bảo thủ, chủ
trương hội họa là phương tiện phục vụ cho giới quý tộc và tôn giáo. Với tình yêu thiên
nhiên và con người, Monet và nhóm họa sĩ trẻ tài ba đã khởi xướng một cuộc cách
mạng khai phóng trong hội họa, bước ra khỏi bối cảnh trang nghiêm huyền bí của nền
hội họa cũ mà ra ngoài hòa nhập với thiên nhiên,vẽ lại những phong cảnh và con người
trong đời sống sinh hoạt bình thường. Khuynh hướng hội họa mới này lấy tên là “ấn
tượng” theo bức tranh “Ấn tượngmặt trời lên” (“Impression, soleil levant”) của Monet với
những nét chấm pháhuyền ảo nhẹ nhàng. Bức tranh này đã bị nhóm bảo thủ bác bỏ và
chỉ trích nặng nề, cho là bản phác họa và không được hoàn chỉnh đúng cách. Tuy
nhiên, cùng với một số họa sĩ tài danh khác như Renoir, Sisley, Pissarro, Manet,
Cezanne v.v..nhiều tuyệt tác đã được ra đời, nên chẳng bao lâu phái ấn tượng đã được
công nhận như một trường phái hội họa chính thống có ảnh hưởng sâu rộng. Bằng cách
phối hợp mầu sắc tài tình, lúc tươi sáng, lúc tương phản và táo bạo, tranh ấn tượng diễn
tả lại cảnh sắc ngoài đờivới những nét sống độngtrung thực, khiến người xem có một
cảm nhận sâu sắc về cảnh vật ấy. Tuy nhiên, nói đến Monet và phái hội họa ấn tượng,
hiển nhiên không thể bỏ qua được ảnh hưởng của hội họa Nhật Bản qua những bức
tranh Nhật Bản sưu tập được trưng bầy khắp nhà của ông.

Theo lời truyền lại, một ngày vào năm 1871, khi đang ở Amsterdam để lánh nạn chiến
tranh Pháp-Phổ, Monet đã bước vào một tiệm bán thực phẩm, và chợt nhìn thấy những
bức khắc họa Nhật Bản in trên một số giấy gói quà. Từ đó, ông say mê sưu tầm những
bức khắc họa Nhật Bản, và đã thu thập tổng cộng đến 231 bức tranh, 46 bản khắc họa
trên gỗ của Kitagawa Utamaro, 23 bản của Katsushika Hokusai và 48 bản của Utagawa
Hiroshige. Dưới thời Edo (1600-1868), những tư tưởng và kỹ thuật ngoại quốc đã bắt
đầu len lỏi vào trong đất nước Nhật, đưa đến những đổi mới, như trong nghành họa
phát sinh ra một lối vẽ trên gỗ gọi là ukiyo-e, có nghĩa là “những bức họa của một thế
giới trôinổi”, lấy kỹ thuật dùng mầu của Tây phương để diễn tả lại cái hồn Nhật Bản, vẽ
lại nhữngphong cảnh và con người của thời ấy trong một thế giới sống động. Hiển nhiên
là những bức họa này đã có ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy và lối sống, cũng như
khuynh hướng hội họa của Monet trong truyền thống ấn tượng. Monet đã yêu thích
những bức tranh này đến nỗi ông tạo ra một thế giới sống với tranh Nhật Bản, làm một
vườn cảnh mang nhiều nét Nhật Bản như một nơi chốn để tịnh tâm. Thật là một cái
duyên lạ kỳ, khi người vẽ tranh “Ấn tượng mặt trời lên” lại say mê nghệ thuật của đất
nước mặt trời mọc mặc dù chưa một lần đặt chân đến đó, và đã có những ưu ái đặc biệt
cho những vị khách Nhật bản đến viếng thăm.

Bước ra ngoài biệt thự Monet, con đường làng vắng vẻ dẫn đến những ngôi nhà xinh
xắn với những luống hoa đủ mầu sắc trồng bên vệ đường, tạo một không khí an bình
tĩnh mịch. Gần ngôi biệt thự của Monet, cũng có một cơ sở khác được dùng làm nơi bảo
tàng và triển lãm nghệ thuậttranh ảnh, trong đó có tranh của Monet, và cũng có khu
vườn cảnh rộng lớn đầy hoa tulipe nở rộ. Từ một khám phá bất chợt trong một cuộc
hành trình, Giverny đã được Monet lựa chọn là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời,
và ông đã cùng với gia đình về đây tạo lập một nơi chốn địa đàng cho riêng mình. Trong
những thoáng chớp vô thường của kiếp nhân sinh, Monet đã đến và đi, nhưng những gì
ông để lại là một di sản vô giá không chỉ cho thế giới nói chung, mà còn giúp cho ngôi
làng nhỏ nơi ông và gia đình đã cư ngụ càng được thêm phong phú.

Giverny hồ tịnh tâm năm cũ
Nét mơ màng danh họa dấu ngàn thu
Con thuyền nhỏ đậu bên hàng liễu rủ
Người về đâu? Chỉ là thoáng phù du
(NB)

Người về đây, chỉ mong nhìn thấy lại
Một đời người yêu hội họa hơn ai
"Ấn tượng" sắc màu tràn đầy khung vải
Trăm năm rồi! Chưa dấu vết tàn phai
(Trần Thụ Ân)

Thơ vịnh: Water Lily Pond
Liễu rủ ven ao ngõ trúc đào
Sen hồng còn phảng phất năm nao
Xa xa cầu vẫn xanh mầu áo
Để mãi thiên thu một cõi nào.
(Phùng Quân)


Ngọc Bảo
Mùa xuân 5/2017

Giverny một chuyến viếng thăm (Video)